ÁNH SÁNG THÀNH PHỐ - Lôi Mễ (Chương 11)



--DONATE cho Lạc Hồn Cốc có kinh phí duy trì và ra thêm nhiều truyện hay nữa nhé:
-- STK: 3540102785008
Chủ tài khoản: Nguyễn Thế Vinh. Chi nhánh ngân hàng Quân đội MB, TP Việt Trì - tỉnh Phú Thọ
Hoăc ví MOMO : 0869644169; Paypal: vinh.vnp@gmail.com
👉 Group Facebook của Lạc Hồn Cốc
👉 Diễn đàn Lạc Hồn Cốc

ÁNH SÁNG THÀNH PHỐ (Series tâm lý tội phạm)
Tác giả: Lôi Mễ
Chuyển ngữ: Bánh Tiêu, Lưu Hà

Nguồn: Khủng bố hội quán 


Chương 11 - Hình thái báo thù tương đồng
Việc Dương Học Vũ đột ngột đến thăm khiến Phương Mộc cảm thấy có chút ngạc nhiên, ban đầu theo bản năng cậu còn tưởng tưởng rằng hai vụ án mạng kia có manh mối mới. Sau khi Dương Học Vũ kể sơ qua tình tiết vụ án một lần, Phương Mộc cũng nhanh chóng đưa ra nhận định của mình:
"Hung thủ lái xe chặn đường xe cứu hỏa đúng không?"
Dương Học Vũ gật gật đầu.
Theo suy đoán của cậu, mặc dù hung thủ dễ dàng vào nhà, nhưng việc phát hiện ra trong xoang mũi nạn nhân có chất ête chứng tỏ hung thủ cũng không phải là người quen của nạn nhân, hắn đã dùng cách lừa nạn nhân mở cửa sau đó đánh thuốc mê nạn nhân để vào nhà.
Về phần thủ pháp của hung thủ Dương Học Vũ cho rằng có liên quan đến hộp điện trong hành lang, vì khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, cảnh sát phát hiện một số bóng điện trong nhà vẫn đang mở mà cầu dao nguồn điện trong hành lang lại bị kéo xuống, từ đó suy đoán hung thủ kéo cầu dao ngắt điện, thừa dịp khi nạn nhân ra cửa xem xét, dùng ête gây mê rồi kéo nạn nhân vào nhà. Dép lê chân trái của nạn nhân rớt lại bên cạnh cửa cũng có thể nghiệm chứng suy đoán này.
Nếu suy đoán trên của Dương Học Vũ là đúng thì động cơ của hung thủ thực sự hết sức bí ẩn.
Nếu hắn muốn giết chết Ngô Triệu Quang, sau khi đánh thuốc mê, có thể hạ sát nạn nhân vô cùng dễ dàng. Cho dù hắn muốn Ngô Triệu Quang phải đau đớn thống khổ vì bị thiêu sống cũng chỉ cần tưới xăng lên châm lửa đốt là được, cần gì phải phóng hỏa cả căn nhà, lại còn cho nạn nhân gọi điện báo cháy? Chưa nói tới việc hắn còn cố ý đậu xe trên đường của xe cứu hỏa, ngăn trở đội phòng cháy chữa cháy tiến vào hiện trường.
Lúc Phương Mộc đang suy nghĩ tìm tòi động cơ gây án của hung thủ, đáy lòng lại mơ hồ dấy lên một loại cảm giác như đã từng quen.
Dương Học Vũ đã cảm nhận được nghi vấn của Phương Mộc, móc từ trong túi ra một xấp giấy in thật dày đưa cho Phương Mộc.
Phương Mộc cầm lấy, phát hiện đó là tài liệu được in ra từ vài trang mạng, nhìn qua, một số tờ là của báo điện tử, những tờ còn lại là của các diễn đàn, bên dưới những chủ đề đều là những bài viết comment thật dài.
Cậu vừa đọc vài tờ, sắc mặt đột nhiên biến động. Khi ngẩng đầu lên, phát hiện Dương Học Vũ nhìn mình đầy thâm ý.
"Ý của cậu là?"
"Đúng." Dương Học Vũ hiển nhiên đã hiểu rõ suy nghĩ trong lòng Phương Mộc: " Chính là hắn làm."

Sau quá trình mở rộng điều tra, các manh mối lần lượt được tổng hợp đến phía cảnh sát. Sở dĩ vợ của nạn nhân Ngô Triệu Quang có thể nhanh chóng chạy tới hiện trường sau khi hỏa hoạn phát sinh là vì lúc rạng sáng cô đã nhận được tin nhắn được gửi từ điện thoại di động của chồng. Nội dung tin nhắn chỉ có vài chữ ngắn ngủi: Nhà cháy rồi, mau tới cứu anh. Sau khi vợ Ngô Triệu Quang gọi lại thì không có ai nghe máy.
Ngày hôm sau khi án mạng phát sinh chiếc điện thoại di động dùng để gọi báo cháy và gửi tin nhắn cho vợ nạn nhân được tìm thấy trong bồn hoa bên trong khuôn viên, đồng thời cũng tìm được chìa khóa xe tải. Điện thoại di động vẫn đang trong trạng thái khởi động, có hơn mười cuộc gọi nhỡ từ số của vợ nạn nhân.
Qua kiểm tra điện thoại di động, ngoài dấu tay của nạn nhân Ngô Triệu Quang ra, không phát hiện manh mối có giá trị.
Cảnh sát phân tích chiếc xe tải Ngũ Lăng màu xám nọ, chiếc xe hẳn là đã bị hung thủ lái tới đường dành riêng cho xe chữa cháy. Cảnh sát xác định chiếc xe này là vật chứng nên tạm giữ và đã kéo tới bãi đỗ xe ngầm của phân cục để bảo quản. Qua khám nghiệm và kiểm tra toàn bộ chiếc xe, đặc biệt là tay nắm cửa, vô lăng cùng những bộ phận như bộ ly hợp, ga, phanh xe đều không phát hiện manh mối có giá trị. Bởi vậy có thể nhận định, khi hung thủ gây án đã đeo găng tay và bao chân.
Lại là một vụ án không manh mối.
Nếu từ biểu hiện đặc thù của vụ án không thể tìm được điểm đột phá, có lẽ phân tích dấu hiệu tâm lý của hung thủ có thể sẽ là con đường sáng.
Phương Mộc cho rằng, thủ pháp gây án của hung thủ thể hiện rõ động cơ: 'Trả thù', điểm này, cũng nhận được sự tán thành của đại đa số mọi người. Trên thực tế, từ khi cảnh sát bắt đầu điều tra đã xác định chồng của Hầu Vĩnh Mai Trình Nguyên là đối tượng tình nghi số một—— Không ai có thể căm ghét nạn nhân Ngô Triệu Quang hơn anh ta. Song, kết quả điều tra cho thấy, sau khi Trình Nguyên tận mắt nhìn thấy vợ bị thiêu sống, vẫn luôn ở trong tình trạng bị khủng hoảng về thần kinh. Vì nhà đã bị hư hỏng nghiêm trọng sau vụ cháy, trong thời gian ngắn chưa thể sửa chữa được, hơn nữa hàng rào chống trộm dính da thịt của vợ mình vẫn sừng sững trước cửa sổ, cho nên từ sau khi phát sinh hỏa hoạn Trình Nguyên vẫn ở nhờ nhà mẹ ruột. Cùng ngày phát sinh án mạng, Trình Nguyên vẫn không rời khỏi nhà mẹ, điểm này đã được mẹ Trình Nguyên làm chứng. Bên cạnh đó, Trình Nguyên cũng không biết lái xe, cảnh sát từng suy nghĩ tới khả năng Trình nguyên mướn sát thủ, song, sau khi tiến hành điều tra các cuộc gọi lưu trữ trong di động và những người Trình Nguyên thường qua lại, phát hiện không có điểm gì đặc biệt.
Qua cách nhìn của Phương Mộc, mặc dù có thể xác định động cơ của hung thủ là trả thù, thế nhưng, vụ án phóng hỏa này hiển nhiên không giống với những vụ án giết người trả thù bình thường. Ở một mức độ nào đó, hung thủ đã 'phục chế' lại vụ hỏa hoạn đầu tiên vô cùng hoàn mỹ.
Đầu tiên, nạn nhân đều bị vây khốn bên trong, không có cách nào chạy thoát ra ngoài. Tiếp theo, nguyên nhân không thể kịp thời dập tắt hỏa hoạn đều là vì đường xe cứu hỏa bị chặn, hơn nữa, thủ phạm gây ra tình trạng đó đều là cùng một chiếc xe; Cuối cùng, người nhà nạn nhân đều chạy đến hiện trường sau khi phát sinh hỏa hoạn, tận mắt nhìn thấy người thân bị thiêu sống. Đặc biệt là người dùng điện thoại của Ngô Triệu Quang để gửi tin nhắn cho vợ nạn nhân chắc chắn chính là hung thủ. Hung thủ gửi tin nhắn mục đích đương nhiên không phải để cứu người, mà nhằm gọi vợ nạn nhân đến đám cháy 'thưởng thức' chồng mình bị thiêu sống.
Nạn nhân trong cả hai đám cháy đều cùng cảm nhận được nỗi tuyệt vọng và sợ hãi tương đồng.
Người nhà nạn nhân bên ngoài đám cháy cũng cùng cảm nhận được nỗi lo lắng và thống khổ giống nhau.
Nhân viên chữa cháy trong quá trình dập tắt lửa đều cảm giác được sự phẫn nộ và bất lực đồng dạng.
Như vậy, thủ đoạn gây án của hung thủ đã truyền tải rõ ràng thông điệp: 'Gậy ông đập lưng ông'. Một người vì hành vi vô ý thức của mình mà dẫn đến cái chết thảm cho một người khác, cuối cùng bản thân phải nhận hậu quả tàn khốc không kém một ly.
Loại biểu hiện toát lên ở hiện trường vụ án này cùng án mạng tại trường trung học số 47 và tiểu khu Phú Dân có quá nhiều điểm tương tự!
Dựa vào đó, Phương Mộc trịnh trọng đề xuất với đơn vị phụ trách điều tra vụ án này phải nhập ba vụ án mạng làm một để điều tra. Lý do là:
Thứ nhất, xu hướng tâm lý của hung thủ trong ba vụ án đều giống nhau: Do giáo viên dùng hình phạt mà dẫn đến học sinh tự sát (án mạng tại trường trung học số 47); Đứa con bất hiếu do tham lợi mà đuổi mẹ ruột ra khỏi nhà (án mạng tại tiểu khu Phú Dân); Chủ xe do xem nhẹ an ninh công cộng mà gây ra cái chết thảm cho người khác. Trong mắt của hung thủ, cả ba nạn nhân này đều phạm phải một chữ 'ác'. Chữ 'ác' này, cũng không hẳn là theo nghĩa thông thường như đại gian đại ác, song, đối với hung thủ mà nói lại không thể tha thứ được.
Mặc dù qua hồ sơ tài liệu thu thập được và những chứng cứ hiện hữu cho thấy, hung thủ không hề xuất hiện trong cuộc sống của những nạn nhân này, thậm chí ngay cả đối với những nạn nhân bị hại bởi "hành vi ác" này cũng không. Thế nhưng, trong lòng hắn, có lẽ đã xem bản thân mình giống như một kẻ trừng phạt, đồng thời sở hữu quyền năng khiến cho những người gọi là "kẻ gây tội ác" này phải gieo nhân nào gặt quả nấy. Nói cách khác, hắn tựa hồ đồng cảm với những người phải chết bởi "hành vi ác" này, đồng thời cũng muốn mang cảm nhận này áp ngược lại trên người kẻ gây tội ác.
Đây là một động cơ gây tội ác vô cùng đơn giản, gần như trực tiếp —— tư tưởng báo ứng. Trên nền ý nghĩa nào đó, nó hết sức ăn khớp với một trong những cách báo thù trong nền văn minh nhân loại —— hình thái báo thù tương đồng, hay còn gọi là là ăn miếng trả miếng, nợ máu phải trả bằng máu. Mà từ được dùng để gọi quan niệm báo ứng tương đối nguyên thủy này là: Công bằng. Nói cách khác, hung thủ dùng phương pháp "Gậy ông đập lưng ông" này để thực hiện cái gọi là công bằng và chính nghĩa trong nội tâm của hắn.
Vì vậy Ngụy Minh Quân cũng phải như Vu Quang tính toán đề số học để chạy đua với thời gian và sinh mệnh;
Khương Duy Lợi ứng nghiệm với cuồng ngôn của bản thân, trở lại 'tử cung', cũng treo ngược giống như hài nhi trong 'nước ối' ấm áp;
Ngô Triệu Quang thì bị xe của mình chặn đường sinh mệnh, chỉ khác là, lúc này đây người chết trong ngọn lửa hừng hực chính là bản thân gã.
Bên cạnh đó, hiệu ứng chấn động xã hội của ba vụ án này cũng chính là thứ mà hung thủ hy vọng được nhìn thấy nhất.
Khi ba "kẻ gây tội ác" bị dân chúng dùng ngòi bút làm vũ khí tấn công lần lượt giống như bị báo ứng mà chết chắc hẳn có nhiều người sẽ vỗ tay vui mừng. Tựa hồ tâm trạng bức bối của cả xã hội đều có thể được phát tiết trong những vụ án này. Hắn nhận được sự đồng tình, thậm chí là tán dương, chính vì thế hắn tựa hồ cũng càng thêm tin tưởng hành vi của mình không trái với luân lý, chí ít là cần thiết để bảo vệ sự công bằng và chính nghĩa. Tới một mức độ nào đó, xu hướng tâm lý phạm tội của hung thủ dưới tác động của dư luận xã hội càng được củng cố và tăng mạnh. Việc trong thời gian mấy tháng ngắn ngủi mà hắn dám liên tiếp phạm tội cũng đã chứng thực điểm này.
Thứ hai, nạn nhân có điểm tương đồng. Nếu chỉ xem xét bề ngoài, bản thân nạn nhân của ba vụ án mạng dường như đều không có điểm chung, ngoại trừ giới tính giống nhau ra, nghề nghiệp của nạn nhân, bằng cấp, quan hệ gia đình, xã hội, tình trạng kinh tế đều có khác biệt rất lớn. Song, sau khi tiến hành đánh giá mức độ thiệt hại, có thể phát hiện, ba nạn nhân đều bị xâm hại ở mức độ tương đồng cao:
Cả ba nạn nhân đều từng là "người có tai tiếng". Loại 'tai tiếng' bất ngờ xảy đến này đều có xuất phát điểm chính từ cái gọi là "hành vi ác" khi còn sống của nạn nhân. Sau khi qua tin tức truyền thông, hành vi của bọn họ đều bị phơi bày trong mắt của công chúng đồng thời họ cũng nhanh chóng trở thành điểm nóng bàn tán khắp đầu đường cuối ngõ.
Qua sự dẫn dắt và thổi phồng của các phương tiện truyền thông, "hành vi ác" của bọn họ đều bị phóng đại tới cực hạn, một hành vi vô ý chẳng mấy chốc đã phải nhận hàng nghìn lời chỉ trích, có kẻ nghiêm khắc lên án, có kẻ đòi đánh đòi giết. Dư luận ngả về một phía khiến cho những người bình thường này trong một đêm trở thành kẻ thù chung của toàn dân.
Ngụy Minh Quân và Khương Duy Lợi phải nhận "Tiếng xấu muôn đời", sau khi Hầu Vĩnh Mai bị chết cháy, Ngô Triệu Quang cũng sống dở chết dở bởi áp lực của dư luận. Ngoài những bài bình luận dài lê thê của báo chí ra, trên TV, đài phát thanh cũng đưa đi đưa lại bức ảnh chụp chiếc xe tải Ngũ Lăng màu xám của gã. Đặc biệt trên internet, những người nhiều chuyện sau khi biết được chuyện của Ngô Triệu Quang thì bắt đầu soi mói rồi phát tán thông tin cá nhân của gã khắp nơi, từ số di động, số điện thoại nhà đến địa chỉ nơi ở, đơn vị công tác, thậm chí thông tin cá nhân của vợ và người thân của Ngô Triệu Quang cũng bị công khai.
Xem qua những tài liệu mà Dương Học Vũ in từ những trang mạng này có thể thấy cơ hồ trong tất cả các mục tin tức trong nước của các website xã hội đều có đưa tin liên quan đến Ngô Triệu Quang, trong các công cụ tìm kiếm lớn, những từ khóa như: "Ngô Triệu Quang", "Chủ xe Lăng", "Đường xe cứu hỏa" đều đứng top. Đặc biệt là các diễn đàn, phía dưới những bài viết về hỏa hoạn chung cư cao cấp Phú Đô đều kèm theo rất nhiều hồi âm. Trong đó có những từ nhìn mà phát hoảng như: "Cho cả nhà hắn chết cháy", "Chủ xe vô lương tâm phải trả giá đắt", "Tên cặn bã! Đi chết đi" nhiều không đếm xuể.
Nếu sự phẫn nộ của công chúng biến thành nhiệt năng phát tiết trên người Ngô Triệu Quang thì gã đâu chỉ trở thành một cái xác cháy sém, chỉ sợ ngay cả một chút tro cốt cũng không còn.
Loại hiệu ứng xã hội người người nói đáng giết này, đều thể hiện rõ ràng trên người Ngụy Minh Quân, Khương Duy Lợi và Ngô Triệu Quang, đồng thời nó cũng chính là nguyên nhân khiến cho ba người bị hại trở thành mục tiêu để hung thủ thể hiện lẽ "công bằng" và "chính nghĩa". Không thể phủ nhận việc tất cả nạn nhân đều là mục tiêu tấn công của dư luận đã củng cố vững chắc động cơ gây án của hung thủ. Tới một mức độ nào đó, ý đồ của hung thủ cũng cần có sự đồng điệu với sự phát tiết của công chúng. Nói cách khác, hành động của hung thủ, cũng chính là suy nghĩ của công chúng. Trên thực tế, hung thủ tựa hồ đã trở thành người phát ngôn và người thực thi ý nguyện của công chúng. Có lẽ, không chỉ có trong cảm nhận của hung thủ mà thậm chí trong cách nhìn của cả xã hội, giết chết ba người này, mặc dù đã vi phạm pháp luật hình sự, nhưng tuyệt không trái với luân lý. Việc mẹ của Vu Quang gọi thẳng hung thủ là "đại hiệp", có lẽ đã hoàn toàn biểu hiện rõ loại tâm lý này.
Thứ ba, thủ pháp phạm tội tương tự, từ biểu hiện bên ngoài có thể thấy, thủ pháp gây án của ba vụ án mạng này đều không giống nhau. Ba nạn nhân lần lượt chết vì sốc do mất máu, chết đuối và hỏa hoạn. Song, qua những dấu hiệu bên ngoài, vẫn có thể phát hiện tính chất chung trong đó.
Đầu tiên, khi hung thủ gây án đều đeo găng tay và mũ trùm, hắn cũng đều chú ý tẩy sạch dấu chân; Tiếp theo, mỗi lần gây án đều mang theo một số lượng công cụ, phương tiện phạm tội nhất định, tỷ như hộp mật mã, túi nước, thùng nước và thùng xăng vân vân, nghi ngờ hung thủ lái xe đến hiện trường gây án; Còn nữa, công cụ, phương tiện phạm tội có điểm giống nhau. Trong vụ án mạng tại tiểu khu Phú Dân và vụ phóng hỏa chung cư cao cấp Phú Đô, hung thủ đều sử dụng ête để gây mê nạn nhân, đồng thời dùng băng dính màu vàng giống nhau (hoặc tương tự) trói tay chân nạn nhân. Điểm đáng chú ý là, trong vụ án mạng tại trường trung học số 47, hung thủ dùng gậy gỗ đánh khiến cho nạn nhân mất đi năng lực phản kháng, thế nhưng trong hai vụ án sau thì lại sử dụng ête. Điều này dường như cho thấy trong những vụ án liên hoàn này, độ mạo hiểm và tin tưởng của hung thủ đối với hành vi gây án đã giảm dần, đồng thời y đã phải lựa chọn thủ pháp an toàn hơn.
Cuối cùng trong cả ba vụ án hung thủ đều chọn áp dụng một trình tự vô cùng phức tạp, mất thời gian không cần thiết để hoàn thành việc giết người. Qua quá trình phân tích xây dựng lại hiện trường cho thấy trước khi đưa nạn nhân vào chỗ chết, hung thủ đều đã hoàn toàn khống chế được nạn nhân. Lúc này, giết chết bọn họ thật sự là dễ như trở bàn tay. Song, hung thủ cam tâm tình nguyện mạo hiểm ở lại hiện trường thời gian dài, mặc cho có thể gặp nguy hiểm, hành vi phạm tội có thể bại lộ để sắp xếp những "nghi lễ" cực kỳ phức tạp giết chết đối phương.
Vì vậy, Ngụy Minh Quân bị ép dùng máu mình làm mực mực để giải mật mã, Khương Duy Lợi trở lại "tử cung" rồi chết chìm trong 'nước ối' để thực hiện câu nói ngông cuồng "Có bản lĩnh bà nhét tôi về". Ngô Triệu Quang thì gần như hoàn toàn tái hiện cả quá trình Hầu Vĩnh Mai chết cháy. Loại hiện trường 'nghi lễ hóa' này có ý nghĩa nhắn nhủ rằng, nạn nhân từng mang đến thống khổ cho người khác, cuối cùng đều phải nhận lại báo ứng trên người mình.
Với tâm tư cẩn mật của hung thủ, không thể không biết một đạo lý: Hắn tiến hành càng nhiều các hoạt động ở hiện trường, nguy cơ lưu lại chứng cứ càng lớn. Hắn sở dĩ vẫn kiên trì làm như vậy chính là vì hắn hy vọng mượn việc này gửi gắm tâm nguyện cái gọi là "công bằng". Nói cách khác, việc đơn thuần giết chết ba nạn nhân không thể thỏa mãn trọn vẹn thứ mà nội tâm hung thủ cần. Đẩy bọn họ vào chỗ chết, tất nhiên là mục tiêu mà hung thủ theo đuổi. Song, hiển nhiên là hung thủ coi trọng hình thức tử vong hơn là kết quả tử vong. Vả lại, thông qua 'nghi lễ' được hình thức hóa mang cảm giác định mệnh này, hung thủ đồng thời cũng đạt được sự phát tiết nào đó trong nội tâm, ở một phương diện khác, hắn cũng cố gắng mượn việc này để nhắn với cả xã hội một thông điệp: Thiện ác đều có hồi báo.
Mặc dù căn cứ Phương Mộc đưa ra không hoàn toàn phù hợp với những căn cứ tra án truyền thống, phần nhiều là xuất phát từ suy đoán chủ quan, song, dưới sự ủng hộ mạnh mẽ của Dương Học Vũ, cục công an thành phố cuối cùng vẫn đồng ý với chủ trương của Phương Mộc, đồng thời cũng điều động nhân viên từ và các phân cục cảnh sát địa phương thành lập tổ chuyên án.
Tài liệu chứng cứ liên quan đến ba vụ án được chỉnh hợp thống nhất, tập trung đến tổ chuyên án phân tích xử lý, cố gắng trong thời gian ngắn nhất xác định phương hướng và phạm vi điều tra. Cùng lúc đó, Phương Mộc cũng nhận một nhiệm vụ: Phác họa chân dung tâm lý của hung thủ.
Nói một cách đơn giản là Phương Mộc phải căn cứ vào tình hình hiện có, từ động cơ, hành vi, mục đích và đặc điểm tâm lý của hung thủ tiến hành phân tích tiến hành miêu tả thuộc tính của hung thủ. Loại miêu tả này, cung cấp cho cảnh sát một phần phác thảo đặc thù tương đối trực quan về đối tượng tình nghi, để thu hẹp phạm vi điều tra, dự đoán trước khả năng phạm tội mới đồng thời xác định phương hướng điều tra, cũng như đưa ra trọng tâm phòng bị.
Trong tình huống bình thường, chân dung tâm lý tội phạm chủ yếu được phân tích dựa trên căn cứ nghiên cứu khám nghiệm hiện trường và tử thi, lời khai của những người tiếp xúc với hiện trường (ví dụ như nhân chứng). Thế nhưng trong ba vụ án này, người tiếp xúc với hiện trường rất ít, hơn nữa, dấu vết rõ ràng hung thủ lưu lại ở hiện trường cũng vô cùng thiếu. Song, không hẳn là không có thông tin vì bản thân chính là một loại thông tin, đồng thời cũng hoàn toàn có khả năng phác họa rõ ràng trên một vài phương diện thuộc tính tâm lý của đối tượng tình nghi.
Trong tình hình hiện hữu trước mắt, nhiệm vụ này chắc chắn sẽ rất khó khăn, hơn nữa, việc đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì nó chính là kim chỉ nam vạch ra phương hướng điều tra, bằng không, toàn bộ hoạt động điều tra đều chỉ như bắn tên không đích, vì vậy tổ chuyên án chỉ cho Phương Mộc thời gian năm ngày.
Tất cả mọi người đều đang đợi chờ xem, hắn rốt cục là dạng người gì?
-------------------------------

* Chú thích: Hình thái báo thù tương đồng
Hình thái báo thù tương đồng (hay còn gọi là nguyên tắc Công bằng) xuất hiện từ thời cổ đại và đuợc ghi nhận trong một số văn bản Luật cổ như Bộ luật Hammurapi là Bộ luật cổ nhất của người Babilon, được tạc vào thời vua Hammurapi (1792-1750 tr. CN) trên một phiến đá bazan cao 2.25 m và đường kính đáy gần 2 m. Bộ luật có 282 điều, trong đó có nhắc tới 30 trường hợp bị xử tử hình đối với phạm nhân[1]. Các điều luật về hình sự thể hiện rõ tính báo thù với quan niệm mức hình phạt phải luôn tương xứng với mức độ tội ác. Điều 229 Bộ luật này quy định: “Nếu người thợ xây, xây nhà cho một người khác mà người thợ xây không chắc chắn để nhà đổ và chủ nhà bị chết, người thợ xây đó bị giết”. Hay Điều 1 và Điều 3 quy định: “kẻ nào buộc tội vô cớ về tội giết người cho người khác thì chính kẻ đó bị giết”; “nếu ai chứa chấp hay giúp đỡ nô lệ chạy trốn thì cũng bị tội chết”...[2]. Hình thức thi hành hình phạt tử hình thời kỳ này rất khắc nghiệt như đốt, dìm dưới nước hoặc đóng cọc... Mãi cho tới thời kỳ trung đại ở Phương Tây, luật hình sự vẫn cho phép duy trì tục “trả nợ máu”. Theo Bộ luật Xalic: khi phạm tội giết người, nếu người phạm tội là kẻ nghèo hèn đến mức không đủ tiền nộp phạt và không có họ hàng thì “phải lấy đầu mình ra để thay thế”. Còn theo Bộ luật Xắc-xông thì đối tượng của việc trả nợ máu là “kẻ giết người và các con trai của người ấy”. Pháp luật còn quy định cụ thể thời gian chờ trả thù (khác nhau ở mỗi nước, nhưng nhìn chung nó kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định với mục đích làm giảm bớt tính hung hãn của người trả thù và tạo điều kiện cho kẻ giết người chuộc tội).

Đăng nhận xét

0 Nhận xét